Giảm lãng phí tồn kho: Hiểu đúng về JIT và hệ thống sản xuất bổ sung
- 2023-01-22
- SẢN XUẤT
Trước khi đi vào những phương pháp giúp chúng ta giảm lãng phí tồn kho (loại lãng phí nên giảm đầu tiên), chúng ta sẽ đi tìm hiểu một chút về JIT (Just in Time) và Hệ thống sản xuất bổ sung.
1. JUST IN TIME là gì?
Just In Time là suy nghĩ “Chỉ sử dụng vật cần thiết, với số lượng cần thiết khi cần thiết”. Tức là chỉ sử dụng đúng vật (chi tiết, vật liệu…), với đúng số lượng và tại đúng thời điểm cần.
JIT là một trong hai trụ cột trong phương thức sản xuất Toyota nổi tiếng.
Đây là phương pháp suy nghĩ được áp dụng nhiều trong sản xuất và vận chuyển trong các công xưởng Nhật Bản để giảm lãng phí tồn kho.
Trong sản xuất thì đây là suy nghĩ “chỉ sản xuất khi có chỉ thị”. Chỉ thị ở đây chính là tấm thẻ sản xuất. Tức là chỉ khi nào nhận được yêu cầu sản xuất ghi trên thẻ sản xuất của công đoạn sau thì chúng ta mới được phép sản xuất sản phẩm.
Còn trong vận chuyển đây là suy nghĩ “chỉ vận chuyển đến công đoạn sau khi có chỉ thị”. Chỉ thị này thường được biểu thị bằng cách sử dụng tấm thẻ vận chuyển.
2. Hệ thống sản xuất bổ sung là gì?
Để vận hành được hệ thống áp dụng suy nghĩ JIT, công đoạn sau chỉ được phép sản xuất đúng số lượng sản phẩm đã được bán. Đồng thời, “Để không bị mất cơ hội bán hàng, cần có một lượng tồn kho thích hợp”. Tức là không thể đưa lượng tồn kho hoàn toàn về ZERO mà nên giữ một lượng thích hợp. Khi sản phẩm được bán đi thì công xưởng sẽ sản xuất đúng bằng lượng đã bán đẻ bù vào đó.
Đây chính là suy nghĩ căn bản trong hệ thống sản xuất bổ sung.
Dưới đây là những điều mấu chốt để chúng ta vận hàng hệ thống sản xuất bổ sung:
- Giữ một lượng tồn kho thích hợp để đối ứng ngay với nhu cầu của khách hàng.
- Trước khi hết lượng tồn kho, cần sản xuất đúng lượng đã được bán để bổ sung.
- Để làm được điều trên thì không để rơi vào tình trạng hết nguyên vật liệu.
Và hệ thống sản xuất bổ sung sẽ mang lại cho chúng ta những lợi ích như sau:
- Giảm thiểu Muda (lãng phí) – Mua (Thiếu cân bằng) – Mủi (Quá sức) và nâng cao năng xuất.
- Cắt bớt các bước: Dự đoán nhu cầu→ Họp sản xuất→ Lập kế hoạch sản xuất.
- Loại bỏ được các cuộc họp trong bộ phận kinh doanh về vấn đề thừa hay thiếu sản phẩm.
- Có thể giao hàng ngay tới cho khách hàng.
- Giảm thiểu công việc điều chỉnh tồn và trả lời kì hạn sản xuất sản phẩm.
Hình dưới là mô tả đơn giản về hệ thống sản xuất bổ sung để mọi người dễ tưởng tượng nhé.
Có một điều mà bản thân mình cùng nhiều người khác hiểu nhầm là khi nhắc đến JIT mà “lượng tồn kho phải đưa về ZERO”. Tuy nhiên, suy nghĩ này không đúng.
Bởi nếu triệt để quản lý theo suy nghĩ chỉ sản xuất số lượng đã bán được, tức là sau khi bán sản phẩm rồi, bộ phận kinh doanh sẽ quay lại kho để nhận sản phẩm bổ sung cho lượng đã bán. Tại thời điểm này, kho phải có sẵn sản phẩm bộ phận kinh doanh cần nên luôn có một lượng tồn kho thích hợp tại từng công đoạn.
Ngoài ra, trong quá trình sản xuất tại mỗi công đoạn cũng không thể tránh khỏi lỗi dừng chuyền hoặc phát sinh sản phẩm lỗi nên việc giữ một lượng tồn kho thích hợp tại mỗi công đoạn là rất cần thiết để toàn bộ hệ thống sản xuất có thể vận hành trơn tru.
Đây chính là bản chất của JIT.
Nguồn: http://blogsanxuat.com
0 Bình luận