Những Lưu Ý Khi Sử Dụng Khớp Nổi ( Khả Năng Hấp Thụ Độ Lệch Tâm Và Độ Lệch Góc )
- 2023-01-15
- THIẾT KẾ- CHẾ TẠO MÁY
Trong bài viết ngày hôm nay, chúng ta cùng phân tích và trao đổi về những lưu ý khi sử dụng khớp nổi, một trong số đó là khả năng hấp thụ độ lệch tâm và độ lệch góc của chúng. Khớp nổi là một bộ phận thường được sử dụng ở đầu piston kết nối xy lanh khí với các bộ phận khác. Tuy là một bộ phận với cấu tạo đơn giản nhưng khi lắp ráp cũng cần có những lưu ý nhất định. Nào bắt đầu thôi. 😊.
Mục lục
- Những lưu ý khi sử dụng khớp nổi
- Khớp nổi là gì
- Cấu tạo và những lưu ý khi lắp đặt khớp nổi
- Giới hạn siết, vặn ren trên khớp nổi
- Kết luận
1. Những lưu ý khi sử dụng khớp nổi
1.1 Khớp nổi là gì.
Khớp nổi là một bộ phận trung gian dùng để kết nối hai bộ phận khác trong một hệ di chuyển, với kết cấu sử dụng khớp cầu cho phép khớp nổi truyền tải lực đẩy, hấp thụ độ lệch tâm và độ lệch góc giữa các bộ phận.
Chúng chủ yếu được gắn vào đầu piston của xy lanh khí hay xy lanh điện đơn trục với mục đích hấp thụ độ lệch tâm và độ lệch góc do sai số lắp ráp hay độ chính xác của chi tiết máy.
Khớp nổi thường được sử dụng trong các hệ thống máy móc và là bộ phận dễ sử dụng, nhưng nếu không nắm rõ những lưu ý khi lắp đặt, chúng có thể sẽ không hoạt động bình thường vì độ lệch tâm- độ lệch góc không được đảm bảo, trường hợp xấu có thể dẫn đến phá hủy chi tiết.
1.2 Cấu tạo và những lưu ý khi lắp đặt khớp nổi
Một điểm đặc biệt cần lưu ý khi lắp đặt khớp nổi là:
Không bao giờ được siết, vặn đến kịch ren của khớp nổi
Hãy cùng quan sát cấu tạo bên trong một khớp nổi qua hình dưới đây để hiểu rõ nguyên nhân.
Hình ảnh giải thích cấu tạo bên trong một khớp nổi của SMC.
Bộ phận hình cầu bên trong khớp nổi chính là khớp cầu được thiết kế để có thể xoay tự do trong một giới hạn nhất định cho phép khớp nổi có khả năng hấp thụ độ lệch tâm- độ lệch góc. Nhưng trong quá trình lắp ráp nếu chúng được siết quá chặt vít sẽ tiếp xúc với khớp cầu làm cho khớp không còn khả năng di chuyển hay xoay nữa, lúc này khớp nổi sẽ không thể thực hiện đúng chức năng của chúng.
Hình ảnh ví dụ một khớp nổi được lắp ráp chính xác.
2. Giới hạn siết, vặn ren trên khớp nổi.
Vậy cụ thể thì cần siết, vặn một lượng bao nhiêu thì đảm bảo an toàn và chức năng của một khớp nổi?
Khi tiến hành tìm kiếm chúng ta có thể nhận về những kết quả như sau: Bảng tham khảo từ catalog của nhà cung cấp SMC. Nên chú ý đến giá trị P được khoanh đỏ.
Như vậy theo như bảng trên, tùy thuộc vào mã sản phẩm mà ta có thể xác định được “độ sâu bắt vít tối đa”, tức là lượng ren vít ăn sâu vào trong khớp nổi không được vượt quá độ sâu này.
Tuy nhiên thì khớp nổi rất đa dạng về chủng loại cũng như kích thước, để nhớ hết những con số về độ sâu bắt vít tối đa thì thật sự là không thể. Sẽ lại phải tra catalog và điều này là khá bất tiện. Các bạn có thể thao khảo phương pháp sau đây. Đó là từ vị trí siết, vặn kịch ren của khớp nổi ta nới ra khoảng 1 đến 2 ren, điều này rất dễ nhớ và là một yếu tố kinh nghiệm. 😊
Đối với ad nếu như không có hướng dẫn cụ thể nào về kích thước trên bản vẽ ad sẽ nới ra 1 ren kể từ vị trí siết, vặn kịch ren. Và cho đến hiện tại thì chưa gặp phải sự cố nào, các bạn thử tham khảo nha.
3. Kết luận.
Xin được tổng kết lại những điểm quan trọng về khớp nổi trong bài viết ngày hôm nay:
- Khớp nổi là một bộ phận trung gian dùng để kết nối hai bộ phận khác trong một hệ di chuyển, với kết cấu sử dụng khớp cầu cho phép khớp nổi truyền tải lực đẩy, hấp thụ độ lệch tâm và độ lệch góc giữa các bộ phận.
- Một điểm đặc biệt cần lưu ý khi lắp đặt khớp nổi là: không bao giờ được siết, vặn đến kịch ren của khớp nổi
- Phương pháp dựa trên kinh nghiệm khi lắp ráp: nới ra khoảng 1 đến 2 ren kể từ vị trí siết, văn kịch ren
Trên đây là bài viết về khớp nổi và những kiến thức thực tế liên quan, mọi phản hồi xin hãy để lại ở phần bình luận bên dưới bài viết. Xin cảm ơn và hẹn gặp lại các bạn ở những bài viết tiếp theo.
Tác giả bài viết: Nguyễn Văn Hòa
Tham khảo tại: フローティングジョイントの組付け注意点【偏心と偏角の吸収】 | 機械組立の部屋 (kikaikumitate.com)
0 Bình luận