Những Vai Trò Khác Nhau Của Bản Vẽ.
- 2022-06-04
- BẢN VẼ-PHẦM MỀM- CÔNG CỤ
Bản vẽ có nhiều vai trò khác nhau ngoài việc thể hiện hình dạng của các chi tiết, và được sử dụng như một phương tiện giao tiếp thiết kế quan trọng trong việc thiết kế và sắp xếp các chi tiết. Thực tế là việc thay thế bản vẽ 2D truyền thống bằng các bản vẽ đơn 3D không có tiến triển nhiều, điều này có nghĩa rằng các bản vẽ 2D truyền thống tiếp tục còn được sử dụng rộng rãi. Trong bài viết này, tôi sẽ giải thích vai trò của các bản vẽ truyền thống được sử dụng để chia sẻ thông tin và phân phối đến các bộ phận phụ trách trong toàn công ty như thế nào.
Mục lục |
|
1. Bản vẽ là gì?
Bản vẽ là một sản phẩm kỹ thuật dùng để thể hiện hình dạng 2D của các chi tiết, vì vậy chỉ cần nhìn vào bản vẽ người ta có thể đọc và hiểu được hình dạng, thông tin gia công, phương pháp kiểm tra và nhiều thông tin quan trọng khác. Ngoài ra phương pháp thể hiện bản vẽ còn được tiêu chuẩn hóa bởi ISO (Tổ chức tiêu chuẩn hóa quốc tế) hay JIS (Tiêu chuẩn công nghiệp Nhật Bản) và biến nó trở thành ngôn ngữ chung sử dụng rộng rãi trên thế giới.
2. Vai trò cơ bản của bản vẽ
Vai trò của bản vẽ, có thể nói là một biểu thức thông tin cho phép các bên liên quan kiểm tra và chia sẻ thông tin về các chi tiết được sản xuất, để hiểu rõ hơn xin được phân loại thành bốn vai trò quan trọng sau đây.
2.1. Thể hiện hình dạng của chi tiết
Bằng cách vẽ hình dạng của chi tiết thông qua ba hình chiếu gồm hình chiếu bằng, hình chiếu đứng và hình chiếu cạnh, bản vẽ có thể truyền tải chính xác hình dạng của chi tiết cho bên thứ 3 (ở đây có thể là khách hàng). Ngoài ra, nếu các phần của chi tiết không thể biểu diễn trên ba hình chiếu cơ bản có thể được biểu diễn chính xác bằng cách thêm các hình chiếu mặt cắt , hình chiếu chi tiết, hình chiếu đẳng góc, v.v…
2.2. Việc đặt hàng chi tiết
Bản vẽ được sử dụng khi tiến hành đặt hàng sản xuất. Lí do là vì việc đối tác sản xuất nắm rõ được 100% thông tin về chi tiết có hình dạng thế nào là rất quan trọng. Ngoài ra, bộ phận mua hàng sử dụng bản vẽ để hỏi đối tác sản xuất về tính sẵn sàng cho sản xuất và để có được báo giá cho chi tiết, giá ước tính có thể dao động rất nhiều tùy thuộc vào cách thể hiện bản vẽ. Ví dụ, nếu dung sai kích thước được yêu cầu khắt khe, giá trị ước tính sẽ tăng vọt ngay cả khi hình dạng chi tiết giống nhau.
2.3. Cơ sở viết các điều khoản trong hợp đồng
Bộ phận mua hàng sử dụng các bản vẽ để sắp xếp các các chi tiết và làm cơ sở để viết các điều khoản trong hợp đồng. Đối tác cần sản xuất các chi tiết như trong bản vẽ từ khách hàng yêu cầu. Nếu kích thước không khớp với bản vẽ, khách hàng có thể từ chối giao - nhận các chi tiết vì vi phạm hợp đồng. Hoàn toàn có thể lấy các bản vẽ để đưa ra chứng minh cho những vi phạm về mặt chất lượng như trên.
2.4. Chỉ thị đo lường chi tiết
Dung sai kích thước, dung sai hình học, độ nhám bề mặt,… được ghi rõ trong bản vẽ. Bộ phận QC quản lý chất lượng dựa trên những thông tin về dung sai hay độ nhám bề mặt…ghi trong bản vẽ để đánh giá chất lượng chi tiết có đảm bảo theo yêu cầu hay không. Ví dụ, dung sai kích thước từ mặt chuẩn đến tâm lỗ là ±0.05, QC sẽ dựa trên thông tin này để kiểm tra và đánh giá chất lượng vị trí của lỗ có đảm bảo yêu cầu sản xuất.
Hình ảnh: Dung sai của chi tiết
3. Những điểm cần chú ý
3.1. Kỹ năng đọc bản vẽ
Cần thực hành nhiều để có thể đọc hiểu hình dạng của chi tiết từ bản vẽ. Cần phải hiểu lượng giác khi nhìn vào ba hình chiếu từ ba hướng, và tạo ra chính xác hình dạng ba chiều trong đầu. và mỗi hình ảnh tưởng tượng về hình dạng vật thể hiện ra trong đầu mỗi người có thể sẽ khác nhau khi nhìn vào cùng một bản vẽ do kỹ năng cá nhân đọc bản vẽ khác nhau.
3.2. Thể hiện hình chiếu
Chúng ta có thể vẽ các hình chiếu của một chi tiết bằng lượng giác học, cần phải hiểu tường tận và chính xác các phần hình chiếu trong đầu từ góc nhìn ba chiều, tuy nhiên việc này cần phải thực hành và luyện tập. Nếu bạn vẽ sai hình chiếu (hình thể không tồn tại), trường hợp này sẽ được bên kiểm tra bản vẽ chỉ ra cho bạn, nhưng nếu bạn vẽ sai hình chiếu mà không bị phát hiện có thể bản vẽ sai đó sẽ được giữ như vậy mà đem đi đặt hàng, lúc này thì thật sự là rắc rối. 😊
3.3. Bản vẽ bị biến dạng
Nếu công việc thiết kế của bạn quá bận rộn, và đôi khi bạn chỉ chỉnh sửa số liệu kích thước chiều dài mà không sửa lại các nét hình thể của chi tiết, việc không kiểm tra kỹ lưỡng có thể dẫn đến việc bản vẽ bị biến dạng, kích thước xung đột với hình dạng chi tiết. Việc này khiến công việc gia công chế tạo chi tiết có thể bị nhầm lẫn và sai sót, hãy chú ý việc này.
3.4. Kiểm tra bản vẽ bằng 3D CAD
Việc kiểm tra bản vẽ bằng 3D CAD, bạn có thể chỉ định và giám sát các điểm lưu ý trong khi kiểm tra đối với các cụm chi tiết và từng chi tiết. Ngay cả trong quá trình thiết kế bị thay đổi hay những thiết kế được sử dụng lại từ trước đó, nếu những thay đổi không phù hợp với tiêu chuẩn thiết kế được phát hiện, cảnh báo sẽ tự động được đưa ra, do đó có thể ngăn ngừa được những sai lầm trong thiết kế. Một ưu điểm vượt trội của 3D CAD so với bản vẽ 2D truyền thống, bạn và công ty chủ quản có thể cân nhắc áp dụng sớm vào công việc.
4. Tổng kết
Bản vẽ đóng một vai trò quan trọng từ quá trình phát triển sản phẩm đến sản xuất hàng loạt, nhưng trong những năm gần đây, những phương pháp truyền tải thông tin mới không sử dụng bản vẽ 2D thông thường đã dần phổ biến, mở rộng và bản vẽ 2D sắp kết thúc vai trò của chúng. Bản vẽ 3D có tên MBD (Model Based Design) sẽ thay thế bản vẽ 2D truyền thống. Thông tin được truyền tải bởi bản vẽ được thay thế bằng các mô hình 3D và những con số, ứng dụng liên quan cho phép đọc thông tin trực tiếp thông qua các thuộc tính, các hình và ký tự thiết lập trong fille dữ liệu. Nếu bạn vẫn chưa xem xét MBD, đã đến lúc bắt đầu làm quen và cân nhắc sử dụng chúng. Trên đây là bài viết “Những vai trò khác nhau của bản vẽ”, chúng tôi hi vọng bài viết mang lại cho các bạn những thông tin bổ ích. Cảm ơn các bạn đã đón đọc bài viết, hẹn gặp lại các bạn ở những bài viết tiếp theo.
Tác giả Nguyễn Văn Hòa
Tham khảo tại: 図面にはいろいろな役割がある | meviy | ミスミ (misumi-ec.com)
0 Bình luận