🎁️ 🍂️️ 💝 🌟 🎄 🌸 🔔 -->

Xác Định Điểm-Mặt Chuẩn Và Ý Nghĩa Của Chúng. Phương Pháp Quyết Định Trên Bản Vẽ.

Các bản vẽ là thứ cần thiết để chế tạo các chi tiết và sản phẩm. Chất lượng của bản vẽ được xác định bởi chất lượng của các chi tiết cuối và sản phẩm cuối cùng, chính vì vậy nhiều công ty muốn tăng chất lượng của các bản vẽ. Một bản vẽ tốt, đó là khi bất cứ ai nhìn vào bản vẽ cũng có thể sản xuất ra những sản phẩm tương tự nhau, hay sau khi chế tạo có thể dễ dàng kiểm tra sản phẩm. Vậy thì phương pháp vẽ thế nào thì tốt. Một trong những điều quan trọng nhất khi vẽ bản vẽ đó là xác định “điểm- mặt chuẩn”. Bài viết lần này, chúng tôi sẽ giải thích ý nghĩa của "điểm- mặt chuẩn" khi vẽ cũng như đọc bản vẽ kỹ thuật.

Mục lục

1. Khái niệm điểm- mặt chuẩn của bản vẽ.

2. Phương pháp quyết định điểm- mặt chuẩn.

3. Bản vẽ mà không có điểm chuẩn- mặt chuẩn thì sẽ như thế nào.

4. Tổng kết.

1. Điểm- mặt chuẩn là gì?

Khi thể hiện hình dạng của chi tiết trên bản vẽ, bạn phải chỉ ra điểm- mặt chuẩn của các chi tiết. Hay nói cách khác điểm-mặt chuẩn là điểm hoặc mặt bạn bắt đầu kéo kích thước. Ví dụ: nếu một chi tiết được giả định sẽ được sử dụng lắp đặt trên mặt phẳng bàn, mặt tiếp xúc với mặt bàn là chính là mặt chuẩn. Khi bạn muốn tìm kiếm điểm- mặt chuẩn của chi tiết từ các bản vẽ được vẽ bởi những người khác, cách dễ dàng nhất là tìm đến nơi tập trung và bắt đầu của nhiều đường kéo kích thước khác nhau (đường dóng kích thước).

Điểm- mặt chuẩn khi vẽ cũng là tiêu chuẩn trong gia công và kiểm định chất lượng. Ví dụ: khi bắt đầu gia công chi tiết người ta sẽ bắt đầu từ điểm- mặt chuẩn của chi tiết, với gia công các lỗ có kích thước được kéo từ điểm- mặt chuẩn, sẽ được tiến hành trên cùng một quy trình với cùng một tham chiếu. Hay trong quá trình đo đạc chiều dài, người kiểm tra sẽ cố định điểm- mặt chuẩn và sau đó tiến hành đo, mọi kích thước đều được tham chiếu từ điểm- mặt chuẩn . Do đó, nhà thiết kế cần thiết lập điểm- mặt chuẩn dựa trên quy trình thao tác gia công và kiểm tra chi tiết.

Do đó, điểm-mặt chuẩn của bản vẽ rất quan trọng đối với thiết kế, chế tạo và kiểm tra. Khi vẽ một bản vẽ, đầu tiên bạn cần quyết định vị trí đặt điểm- mặt chuẩn và khi đọc các bản vẽ cũng vậy, điều quan trọng là phải xác định được vị trí của điểm- mặt chuẩn nằm ở đâu.

2. Phương pháp quyết định điểm- mặt chuẩn.

Điểm- mặt chuẩn trong bản vẽ về cơ bản được quyết định dựa trên cách thức lắp đặt và mục đích sử dụng của chi tiết (sản phẩm).

Ví dụ, trong trường hợp bạn gắn một chi tiết lên tường thì mặt tiếp xúc của chi tiết với tường sẽ trở thành mặt chuẩn. Ngoài ra, trong trường hợp một chi tiết cơ cấu CAM dưới đây, chúng ta có thể thấy điểm chuẩn được chọn là vị trí tâm trục quay, ví trí quan trọng nhất và từ đây người vẽ sẽ kéo các kích thước khác.

Hình ảnh 1: Một ví dụ về xác định điểm- mặt chuẩn.

Có thể nói, trong bản vẽ việc xác định điểm- mặt chuẩn là rất cần thiết. Và kinh nghiệm, sự hiểu biết về chức năng của chi tiết khi lắp đặt trong hệ thống máy là điều cần thiết để thiết lập điểm- mặt chuẩn phù hợp.

3. Bản vẽ mà không có điểm- mặt chuẩn thì sẽ như thế nào.

Trong trường hợp bạn vẽ mà không thiết lập điểm- mặt chuẩn thì sẽ xảy ra những vấn đề gì? Sau đây chúng tôi sẽ liệt kê những vấn đề của một bản vẽ không điểm- mặt chuẩn.

3.1 Bản vẽ sẽ không có sự nhất quán và khó nhìn.

Thực tế là nếu bản vẽ mà không có điểm- mặt chuẩn, các đường kéo kích thước sẽ trở lên hỗn loạn và chồng chéo. Kết quả là một bản vẽ không nhất quán và hết sức khó nhìn. Sẽ đặc biệt khó nhận thấy và phân biệt các đường trong bản vẽ của một chi tiết có hình dạng phức tạp. Bản vẽ sẽ trở lên vô nghĩa nếu chỉ có người vẽ chúng có thể đọc được. Vì vậy điều quan trọng là phải xác định và thiết lập điểm- mặt chuẩn để vẽ các bản vẽ dễ hiểu mà ai cũng có thể đọc hiểu được.

3.2 Sẽ rất khó để gia công và kiểm tra.

Như đã giải thích ở trên, các điểm- mặt chuẩn khi vẽ cũng sẽ trở thành điểm chuẩn-mặt chuẩn khi gia công và kiểm tra. Do đó, nếu bản vẽ không thể hiện điểm- mặt chuẩn thì nhà gia công và nhà kiểm định không thể xác định xem nên bắt đầu tiến hành gia công hay đo đạc chi tiết từ đâu. Do đó, một lần nữa họ cần phải lập mới quy trình các công đoạn gia công và kiểm tra, điều này có nghĩa số công đoạn sẽ tăng thêm. Đối với các nhà thiết kế việc làm thế nào để vẽ ra các bản vẽ giúp tăng hiệu quả công việc và giảm bớt các công đoạn gia công chi tiết cho bên gia công là một việc quan trọng.

3.3 Dung sai tích lũy trong bản vẽ.

Nếu bạn tiến hành kéo các kích thước từ các đường (mặt) khác nhau mà không có điểm- mặt chuẩn, dung sai của mỗi chiều có thể tích lũy và kết quả là dung sai của các kích thước sẽ tăng lên. Hãy xem xét trường hợp kéo kích thước trên một trục máy. Cùng chú ý đến kích thước chiều dài trục, trường hợp thỏa mãn là khi kích thước kéo từ mặt cạnh đầu trục bên này đến mặt cạnh đầu trục bên kia, khi đó dung sai là ± 0.1. Mặt khác, trong trường hợp không thỏa mãn hay viết tắt là NG, kích thước không được kéo từ mặt chuẩn, do đó dung sai được tích lũy trên kích thước chiều dài trục lớn nhất sẽ lên tới ± 0.3 mm.

Hình ảnh minh họa kéo kích thước chiều dài trục.

Để ngăn chặn tình trạng chi tiết sau khi gia công lại không thể lắp đặt vào máy, việc thiết kế mà trong đầu luôn có một ý thức cao về dung sai là một việc quan trọng.

4. Kết luận.

Việc thiết lập các điểm-mặt chuẩn phù hợp là rất quan trọng để tạo ra các bản vẽ chất lượng. Khi đọc và vẽ một bản vẽ, hãy xem xét chức năng của chi tiết (sản phẩm), sau đó xem xét nơi nào nên đặt điểm- mặt chuẩn. Bằng cách đó, bạn sẽ có thể cải thiện kỹ năng thiết kế của mình và vẽ ra các bản vẽ thân thiện với các nhà thiết kế khác và quá trình xử lý, gia công sau này. Trên đây là nội dung bài viết Xác định điểm- mặt chuẩn và ý nghĩa của chúng. Phương pháp quyết định trên bản vẽ. Mọi ý kiến đóng góp xin để lại ở phần comment bên dưới, xin cảm ơn và hẹn gặp lại các bạn trong những bài viết sắp tới.

Tác  giả: Nguyễn Văn Hòa.

Tham khảo tại: 基準点や基準面の意味と、図面での表記 | meviy | ミスミ (misumi-ec.com)

0 Bình luận

Bài viết liên quan