Những Bước Đầu Tiên Để Trở Thành Một Nhà Thiết Kế Chuyên Nghiệp
- 2024-06-09
- THIẾT KẾ- CHẾ TẠO MÁY
Chắc hẳn có nhiều bạn đặt câu hỏi để trở thành một nhà thiết kế chuyên nghiệp thì mình lên bắt đầu từ đâu và phát triển lên cao hơn thế nào. Cùng tham khảo bài chia sẻ của một nhà thiết kế đã trải qua quá trình phát triển bản thân để trở thành một nhà thiết kế chuyên nghiệp nhé.
Để trở thành một nhà thiết kế chuyên nghiệp, bạn cần trang bị cho mình kiến thức và kinh nghiệm. Nghề nào cũng vậy bạn sẽ gặp nhiều khó khăn và thất bại trong quá trình tích lũy kinh nghiệm. Nhưng sau đó, bạn có thể sử dụng những bài học từ thất bại đó làm kinh nghiệm phát triển bản thân thành một nhà thiết kế chuyên nghiệp.
Khi bạn gia nhập phòng thiết kế trong lĩnh vực ngành sản xuất hoặc một công ty thiết kế, công việc đầu tiên bạn được giao đó là sao chép bản vẽ. Công việc nghe có vẻ đơn giản và nhàm chán nhưng nó mang lại khá nhiều kiến thức kinh nghiệm.
Công việc ban đầu rất đơn giản đó là với những bản vẽ nguồn có sẵn, công việc của bạn là vẽ và sao chép lại những bản vẽ đó. Công việc này được gọi thân thuộc là "sao chép bản vẽ" và người thực hiện công việc này được gọi là "thợ vẽ" :D. Công việc chính của thợ vẽ là triển khai và tạo ra các bản vẽ dựa trên kết quả thiết kế hoàn thiện của các nhà thiết kế chuyên nghiệp.
Trong trường hợp 3D, đó là việc mô hình hóa (modeling). Gần đây công việc này khá phổ biến đi cùng với sự phát triển và trở lên phổ biến hơn của phần mềm 3D trong doanh nghiệp. Họ sẽ tạo ra hình dạng ba chiều của chi tiết đã được tính toán, lựa chọn bởi nhà thiết kế. Trong quá trình làm việc này, bạn sẽ học cách vẽ bản vẽ và vận hành các phần mềm như Solid Works, Catia, 3DCAD…
Khi bạn có thể nhớ được cách vẽ bản vẽ rồi, bạn sẽ có thể thực sự được giao phó một phần công việc thiết kế nào đó. Công việc đó chính là công việc bóc tách và gia công bản vẽ chi tiết. Cụ thể là vẽ bản vẽ chi tiết của các bộ phận bằng cách bóc tách, trích xuất thông tin cần thiết từ bản vẽ bản vẽ lắp ráp. Thêm kích thước và xem xét dung sai. Những kỹ năng này có thể có đạt được chỉ sau một năm kinh nghiệm. Đến đây bạn đã tăng level cho mình lên cấp cao hơn một chút rồi đó.
Bí quyết học thiết kế ban đầu chỉ là bắt chước các nhà thiết kế chuyên nghiệp đi trước của bạn. Bắt chước cách vẽ bản vẽ và hay cách tạo ra mô hình 3D. Với mô hình 3D, bạn có thể kiểm tra lịch sử các bước để tạo ra chúng. Với bản vẽ chi tiết, chúng ta sẽ sao chép cách đặt kích thước, cách chèn dung sai, v.v. Sau đó, đặt câu hỏi về những điều mình không hiểu và phát triển chúng thành kỹ năng của riêng mình. Hãy nghiêm túc học hỏi ngay từ đầu, việc này rất quan trọng vì đó là nền tảng. Chúng ta sẽ không lãnh phí thời gian cho việc sửa đi sửa lại những kỹ năng đó sau này. Đây là những bước đi đầu tiên.
Kiểm tra đánh giá
Ngoài ra, Đối với các sản phẩm dành cho người tiêu dùng thông thường như thiết bị gia dụng và ô tô, nguyên mẫu được tạo ra và các thử nghiệm đánh giá được tiến hành trước khi thương mại hóa. Các thử nghiệm khác nhau được tiến hành tùy thuộc vào sản phẩm. Các bài kiểm tra đánh giá thường được thực hiện tại các bộ phận chuyên môn trong các công ty lớn, nhưng chúng cũng là một phần công việc của nhà thiết kế. Chúng ta kiểm tra xem những yêu cầu về hiệu suất và chức năng trong thiết kế có được đáp ứng hay không.
Thiết kế không chỉ là tính toán và vẽ bản vẽ.
Như đã đề cập ở trên, các nhà thiết kế mới vào nghề liên tục trải qua một loạt nhiệm vụ thiết kế dưới sự hướng dẫn của các nhà thiết kế tiền bối. Trong quá trình tích lũy kinh nghiệm, bạn sẽ tiếp thu và học hỏi được rất nhiều kiến thức.
Việc tiến hành kiểm tra đánh giá, tạo tài liệu kỹ thuật và trong một số trường hợp, đến thăm khách hàng để quảng bá sản phẩm đã hoàn thiện là một phần công việc của nhà thiết kế.
Trong trường hợp thiết bị cơ khí thông thường, sản phẩm được sản xuất, lắp ráp, thử nghiệm và điều chỉnh trước khi giao cho người dùng, nhưng cũng có những trường hợp hệ máy phải được di chuyển đến địa điểm giao hàng để thực hiện lắp đặt và điều chỉnh máy.
Khi thực sự làm những công việc trên, bạn mới có thể phát hiện ra các vấn đề như nó không hoạt động bình thường. Nếu một khiếu nại hoặc việc khắc phục sự cố lớn dẫn đến việc giao hàng bị chậm trễ, điều đó có thể làm tổn hại đến niềm tin của người dùng.
Để tránh những vấn đề như vậy, cần phải xem xét đầy đủ mọi vấn đề ở ngay giai đoạn thiết kế. Rất nhiều kinh nghiệm cần được vận dụng lúc này.
Nói cách khác, những kinh nghiệm có được khi làm thiết kế ngoài việc vẽ và tính toán bản vẽ sẽ cực kỳ hữu ích trong quá trình làm việc sau này.
Khi bạn tích lũy loại kinh nghiệm này nhiều lần, sẽ đến lúc bạn được cấp trên giao phó công việc thiết kế thực sự.
Một lần nữa, thiết kế không chỉ là vẽ bản vẽ và tạo mô hình 3D. Công việc của một nhà thiết kế là tạo ra một sản phẩm hoặc một cỗ máy từ con số 0 ban đầu. Thiết kế là quá trình phát triển ý tưởng từ việc lập kế hoạch, đánh giá chi phí đến biến chúng thành hiện thực. Để trở thành một nhà thiết kế chuyên nghiệp, bạn cần có kiến thức và kinh nghiệm sâu rộng. Hãy luôn cố gắng trau dồi và học hỏi thêm nhiều kiến thức. Trên đây là một vài chia sẻ.
Cảm ơn các bạn đã đón đọc bài viết, mọi ý kiến đóng góp xin để lại ở phần bình luận bên dưới bài viết. Xin cảm ơn.
Tác giả Nguyễn Văn Hòa
0 Bình luận